Nguyễn Minh Hiếu
Gần hai năm chống dịch vừa qua, nước ta đã xảy ra nhiều vụ việc phản cảm trong công tác chống dịch của một số cán bộ, nổi trội như vụ phá cửa cưỡng ép người dân đi xét nghiệm tại Bình Dương[1], phạt và tịch thu xe của người đi mua bánh mì ở Nha Trang[2], chặn xe tiền với lý do “hàng không cần thiết” ở Ninh Thuận[3], … Nhiều tờ báo đã nhanh chóng nhận định sự yếu kém của cán bộ cơ sở[4]. Tuy vậy, cần nhìn vào các khía cạnh khác ảnh hưởng đến hành vi của cán bộ, mà theo Seidman et al. (2003) gồm: Quy định, Cơ hội, Năng lực, Truyền thông, Lợi ích, Quá trình, và Tư tưởng (ROCCIPI). Nhằm xây dựng một thế hệ cán bộ năng động và sáng tạo theo tinh thần Kết luận số 14-KL/TW, bài viết đề xuất cải thiện (1) tính rõ ràng minh bạch trong công tác điều tra các “sáng tạo thất bại”, (2) cán cân thưởng – phạt cho việc sáng tạo trong thi hành công vụ, và (3) tư duy lấy người dùng làm trung tâm trong thiết kế quy trình chính sách.
Mặc dù Kết luận 14-KL/TW ngày 22/9/2021 nêu rất rõ chủ trương khuyến khích cán bộ sáng tạo trong công tác, các quy định trong Bộ Luật Hình Sự 1999 và 2015 vẫn là cơ sở cho sự cứng nhắc của nhiều cán bộ. Trong thời kỳ COVID-19, công chức – cán bộ đã có nhiều cơ hội thể hiện sự linh hoạt trong thực thi chính sách[5]. Tuy vậy, với năng lực có hạn do tập huấn gấp rút, và nỗ lực truyền thông về quy định đến họ phần nào chưa tốt, công tác phòng chống COVID-19 đã bộc lộ tính rập khuôn của chính quyền địa phương. Ngoài ra, người thi hành công vụ không có lợi ích đáng kể từ việc áp dụng linh hoạt tinh thần Chỉ thị 16/CT-TTg, thậm chí có thể bị kỷ luật. Hơn nữa, quá trình quyết định của họ cũng thiên hướng rập khuôn do tần suất các trường hợp không giống quy định là quá lớn. Nhìn xa hơn, có thể nói việc cứng nhắc, khuôn mẫu phả ánh chung tư tưởng sợ sai của xã hội chúng ta[6]. Sau đây, bài viết sẽ tập trung vào những vấn đề dễ dàng giải quyết nhất là quy định, lợi ích và quá trình.
Theo Seidmen (2003), một câu hỏi quan trọng cần đặt ra khi phân tích các quy định là: Luật pháp có làm rõ các tiêu chí và quy trình cho các cơ quan thi hành luật pháp, và đảm bảo họ đưa ra quyết định dựa trên những quy trình minh bạch, cởi mở, có trách nhiệm giải trình và dung hợp hay không?[7] Một khi cán bộ đã dấn thân sáng tạo nhưng gây thiệt hại; họ sẽ được đánh giá xét xử bằng những tiêu chí/quy trình gì, có công bằng hay không? Kết luận số 14-KL/TW chỉ diễn giải rằng “cấp có thẩm quyền” có thể quyết định “miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm” dựa trên “động cơ trong sáng”[8]. Thế nhưng, không có văn bản nào hướng dẫn cụ thể “cấp có thẩm quyền” quyết định ra sao, và xử lý khi xảy ra tố tụng hình sự như thế nào. Nếu không có quy định rõ ràng trong việc xét xử các trường hợp trên, nguy cơ “làm ơn mắc oán” là rất khó chấp nhận với nhiều cán bộ.
Về mặt lợi ích, cán bộ không mềm dẻo trong thi hành công vụ là dễ hiểu khi “phạt” rất nặng mà “thưởng” còn xa xôi. Bộ Luật Hình Sự 1999 và 2015 quy định nhiều tội danh liên quan đến việc “quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, dù vô ý hay cố ý, với những khung phạt rất nặng. Ngược lại, nếu cán bộ – công chức có sáng kiến thành công chỉ được “biểu dương, khen thưởng xứng đáng; ưu tiên bố trí, sử dụng”[9]; ngược lại, nếu không thành công thì chỉ được “xem xét miễn giảm hoặc giảm nhẹ trách nhiệm”. Hơn nữa, những cán bộ hành xử rập khuôn, áp dụng cứng nhắc quy định thì không bị phạt ngay cả khi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người dân. Đơn cử, Phó chủ tịch phường Vĩnh Hòa, TP. Nha Trang đã có hành vi hà hiếp và tịch thu xe máy của một người dân đi mua bánh mì với lý lẽ “bánh mì không phải thực phẩm thiết yếu”[10], gián tiếp dẫn đến người này mất việc làm. Vậy mà đến nay, công lý cho người đàn ông trên có lẽ đã bị lãng quên cùng dòng dư luận. Như vậy, nếu muốn khuyến khích sáng tạo trong thi hành công vụ, cần có cơ chế phê bình, kiểm điểm hoặc thậm chí là xử phạt việc áp dụng luật lệ cứng nhắc gây thiệt hại cho người dân.
Về lâu dài, tìm hiểu về quá trình ra quyết định của mỗi cán bộ khi xử lý từng trường hợp cũng làm sáng tỏ nhiều khúc mắc trong quy trình thực hiện chính sách. Sức người có hạn, độ linh hoạt của mỗi cán bộ phụ thuộc nhiều vào số lượng trường hợp đòi hỏi tư duy linh hoạt. Khi một quy trình được thiết kế mà tạo ra số lượng trường hợp lề[11] quá lớn, thì quy trình đó sẽ dẫn đến nhiều sai sót từ người thực hiện[12]. Cụ thể trong vấn đề chống dịch, theo Chỉ thị 16/CT-TTg thực phẩm thiết yếu được phép vận chuyển[13] không bao gồm thực phẩm đã chế biến tại hàng quán, như bánh mì, cơm hộp, vv.. Như vậy, tất cả các trường hợp này sẽ đều dựa vào sự linh hoạt của cán bộ để giải quyết. Với số lượng quyết định quá lớn, hiện tượng rập khuôn – khiên cưỡng tình huống về trường hợp chuẩn để áp dụng quy định – sẽ thường xuyên xảy ra. Các loại quy trình có thể tạo nền tảng tốt hơn cho sự linh hoạt là thành lập danh sách cấm (thay vì danh sách thiết yếu), bổ sung hướng dẫn đánh giá xử lý tình huống, hay bổ sung quy trình mặc định cho tất cả các trường hợp lề. Tuy vậy, để có được thiết kế quy trình phù hợp đòi hỏi sự thay đổi dài hạn về năng lực và tư duy thiết kế chính sách.
Kết luận, khả năng sáng tạo và linh hoạt của cán bộ chịu ảnh hưởng không chỉ bởi môi trường pháp luật, mà còn bởi các yếu tố cấu thành con người và môi trường sống của anh ta, như cơ hội, thông tin nhận được, năng lực, tư tưởng, quá trình tư duy, … Để thực hiện tham vọng xây dựng thế hệ cán bộ năng động trong thời kỳ dịch, trong ngắn hạn cần ban hành chính sách cụ thể hóa việc đánh giá xét xử các trường hợp sáng kiến có động cơ trong sáng nhưng thất bại gây hậu quả nghiêm trọng; đồng thời quy định kỷ luật, xử phạt các hành vi áp dụng rập khuôn dẫn đến thiệt hại cho người dân.
[1] (Bá Sơn, 2021)
[2] (Hiền Lương, 2021)
[3] (Đức An, 2021)
[4] (Anh Vũ, 2021)
[5] (Thu Hằng, 2021)
[6] (Đỗ Anh Đức et al., 2021)
[7] “Does the law specify criteria and procedures towards implementing agency and make sure they make decisisons usngin transparent, open, accountable and participatory processes?” – Seidman (2003)
[8] “Khi cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì cấp có thẩm quyền phải kịp thời xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá công tâm để xem xét, xử lý phù hợp , nếu thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm.” – Điều 2.4, Kết luận số 14-KL/TW
[9] (Kết Luận Số 14-KL/TW, 2021)
[10] (Hiền Lương, 2021)
[11] Edge case, thường chỉ các trường hợp cực đoan nằm ngoài các trường hợp mà một hệ thống hay quy trình được thiết kế để xử lý
[12] (Kimya, 2019)
[13] Được quy định tại Phụ lục II, phụ lục III, và mục 3, 4, 5, 6, 7, 8 Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP (Chỉ thị 16/CT-TTg)
Tài liệu tham khảo
Tiếng Việt
Anh Vũ. (2021, November 8). “Qua đại dịch bộc lộ chất lượng yếu kém của một số cán bộ chủ chốt.” Báo Thanh Niên. https://thanhnien.vn/post-1399053.html
Bá Sơn. (2021, September 28). Cán bộ phường phá khóa căn hộ, cưỡng chế một phụ nữ đi xét nghiệm COVID-19. Tuổi Trẻ. https://tuoitre.vn/news-20210928221032374.htm
BỘ LUẬT HÌNH SỰ, 100/2015/QH13 (2015).
BỘ LUẬT HÌNH SỰ CỦA NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM SỐ 15/1999/QH10, 15/1999/QH10 (1999).
Đỗ Anh Đức, Phạm Nguyễn Nguyên Thảo, Nguyễn Thị Minh Phương, Từ Văn Sơn, Nguyễn Cẩm Nhung, & Nguyễn Hải Dương. (2021). Innovation Capacity of Student: A Case Study in Vietnam. The Journal of Asian Finance, Economics and Business, 8(5), 189–199. https://doi.org/10.13106/jafeb.2021.vol8.no5.0189
Đức An. (2021, July 25). Người ngăn xe ngân hàng giải thích vụ “tiền không phải hàng hóa thiết yếu.” Dân Trí. https://dantri.com.vn/xa-hoi/nguoi-ngan-xe-ngan-hang-giai-thich-vu-tien-khong-phai-hang-hoa-thiet-yeu-20210725133715736.htm
Hiền Lương. (2021, July 20). “Bánh mì không phải thực phẩm thiết yếu” và nỗi buồn mất việc của nạn nhân. Báo Thanh Niên. https://thanhnien.vn/post-1091400.html
Thu Hằng. (2021, April 7). “Bệ đỡ” cho cán bộ dám nghĩ, dám làm trong chống dịch ở TP.HCM. BAOMOI.COM. https://baomoi.com/s/c/40731062.epi
Về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, 14-KL/TW (2021).
Tiếng Anh
Kimya, A. (2019, June 16). Thinking like a developer, part II: Design the edge cases. Medium. https://uxdesign.cc/thinking-like-a-developer-part-ii-design-the-edge-cases-fe5f21516d20
Seidman, A., Seidman, R., & Abeysekere, N. (2003). Assessing Legislation: A manual for legislators. Boston University School of Law.
Leave a Reply