Nguyễn Minh Hiếu
Đầu năm 2020, các ý kiến liên quan đến việc cân bằng giữa phát triển kinh tế và chống dịch đã bị chỉ trích rất nặng nề. Nhưng gần đây, nhiều bài báo bàn luận về việc “không thể giãn cách xã hội (GCXH) nghiêm ngặt mãi”[2] lại nhận được đông đảo sự đồng tình. Kinh tế học dòng chính (KTHDC) mô tả con người duy lý, nghĩa là có sở thích ổn định, có ràng buộc về ngân sách và sẽ ra quyết định sao cho tối ưu hóa lợi ích của bản thân mình[3]. Phải chăng sở thích của người Việt Nam đi ngược lại với giả định của KTHDC?
Câu trả lời là ‘chưa chắc’, nếu chúng ta ứng dụng một cách linh hoạt các lý thuyết có sẵn. Lấy tăng trưởng kinh tế làm chi phí cơ hội của việc GCXH, và sản phẩm đầu ra là số tháng mà sức khỏe cộng đồng được đảm bảo (để đơn giản hóa mô hình, giả định rằng mỗi khi GCXH thì sức khỏe cộng đồng là được đảm bảo), chúng ta có thể vẽ đồ thị chi phí của GCXH như Hình 1. Trong đó, định phí là các chi phí bắt buộc bỏ ra để chống dịch bất kể thời gian GCXH như tập huấn chính quyền địa phương, chuyển giao giữa hoạt động offline sang online, chi phí phát triển kịch bản hỗ trợ tại nhà. Còn biến phí là chi phí phát sinh khi muốn duy trì thời gian GCXH dài hơn như chi phí cơ hội khi thay đổi công tác của lực lượng hỗ trợ, trợ cấp cho lao động thất nghiệp vì dịch, vv. Như vậy, trên thị trường tồn tại mốc thời gian tối ưu mà tại đó, chúng ta không nên tiếp tục duy trì GCXH. Điều này sẽ giải thích vì sao khi mới có dịch (tương tự như khi một thị trường mới mở ra), tâm lý người dân và chính quyền đều cảm thấy việc đầu tư chống dịch và GCXH là hiệu quả. Tuy nhiên, sau 2 năm, có thể chúng ta đang dần tiệm cận đến điểm tối ưu của mô hình, khiến cho việc tiếp tục GCXH là phi lý.
Hình 1

Để giải thích hiện tượng trên mà không cần phải sử dụng đến những giả định phức tạp và ứng dụng mô hình sản xuất một cách “sáng tạo” như vậy, hãy xem xét cách giải thích từ kinh tế học hành vi (KTHHV). Sử dụng lý thuyết hai hệ thống, có thể thấy rằng phản ứng ban đầu của người dân là tư duy Hệ Thống 1, dựa trên “trực quan kinh nghiệm”[4] chứ không duy lý. Nếu con người phản ứng duy lý trước đại dịch thì phản ứng của người dân ở các nước khác nhau phải đồng nhất. Thực tế đã cho thấy sự phân hóa mạnh mẽ giữa thái độ của người phương Tây và phương Đông trước COVID-19, khi người Việt Nam, Trung Quốc, Singapore nhanh chóng tuân thủ lệnh giới nghiêm, thì người Mỹ vẫn hoài nghi và chống đối. Dịch bệnh là vấn đề không mới lạ trong lịch sử hiện đại tại các nước Đông Nam Á, nơi mà đại đa số người trưởng thành đã từng sống qua thời kỳ dịch Sars, H5N1, H1N1, … Mặc khác, ở Việt Nam, phản ứng sợ hãi của cộng đồng cũng tạo ra tâm lý kỳ thị người nhiễm và nghi nhiễm.
Sau khi dịch đã hoành hành gần hai năm, người dân mới bắt đầu sử dụng Hệ Thống 2[5] để tư duy về dịch, từ đó có hành vi ôn hòa và hợp lý hơn. Ví dụ, ở Thành Phố Hồ Chí Minh (TPHCM) từ sau trận dịch 4/2021, người dân đã “duy lý” hơn khi căn cứ vào tương quan giữa số ca nhập viện và năng lực chống dịch địa phương để đánh giá tình hình, không vội hoảng sợ trước ca bệnh mới. Tương tự, chính quyền các phường, quận tại TPHCM có thể xử lý các ca nhiễm với thái độ đúng với tuyên ngôn “bình thường mới” hơn, so với sự lúng túng và sợ hãi của chính quyền các khu vực mới có dịch.
Trong thiết kế chính sách, chính quyền cần thừa nhận sự phi lý trí có thể đoán định của công dân (và của chính mình) nhằm đảm bảo tính khách quan trong giải pháp. Nếu chính sách bị ảnh hưởng quá nhiều bởi cảm tính nhất thời của chính quyền và xã hội, giải pháp từ chính quyền sẽ không đảm bảo tính bền vững, càng gây thêm hoang mang và thiệt hại cho dân chúng. Thứ hai, đoán định trước phản ứng phi lý trí của người dân, chính sách có thể xây dựng nội dung truyền thông phù hợp, cũng như thiết kế các giải pháp cần thiết để trung hòa phản ứng phi lý trí. Cụ thể, trong vấn đề kỳ thị người nhiễm bệnh, các cơ quan ngôn luận của chính quyền có thể nhấn mạnh quan điểm không kỳ thị, đồng thời quy trình xử lý phải đảm bảo quyền riêng tư của người bệnh. Tại Việt Nam, tuyên ngôn “chống dịch như chống giặc” phần nào khắc sâu thêm thái độ kỳ thị đối với người bị nhiễm, đặc biệt là khi tuyên ngôn này không chính thức thay đổi ngay cả khi chúng ta tuyên bố định hướng “bình thường mới”.
Bàn về giải pháp chống dịch, chúng ta nên dựa vào những mô hình tối ưu của kinh tế học dòng chính để xác định mục tiêu, kết hợp với các quan sát của kinh tế học hành vi để thiết kế cách thức thực hiện sao cho hiệu quả. Để xác định mục tiêu chống dịch, nhà chức trách có thể dựa vào KTHDC để phân tích chi phí/lợi ích từ các phương án khác nhau, cân nhắc ảnh hưởng của chúng lên các nhóm dân cư, từ đó lựa chọn phương án tối ưu nhất có thể về mặt kinh tế. Về mặt thiết kế và thực thi phương án chống dịch, chúng ta cần nẵm rõ xu hướng hành vi của người dân Việt Nam dựa trên các quan sát thực chứng của KTHHV, từ đó linh hoạt trong cách áp dụng chính sách để tạo hiệu quả cao nhất.
[2] Bí thư Thành ủy TP.HCM NGUYỄN VĂN NÊN (V. Sự et al., 2021)
[3] (Alain Samson, 2014)
[4] (Alain Samson, 2014)
[5] Theo Alain Samson (2014), tư duy Hệ Thống 2 là tư duy có “tính chiêm nghiệm, có kiểm soát, có chủ định và có phân tích hơn [tư duy Hệ Thống 1].
Tài liệu tham khảo
Tiếng Anh
Alain Samson. (2014). Hướng dẫn về Kinh tế học Hành vi 2014 (Trần Thị Kim Chi & Huỳnh Thế Du, Trans.; 1st ed.). Behavioral Science Solutions Ltd.
Tiếng Việt
V. Sự, Đ. Thuần, & T. Mai. (2021, September 5). Bí thư Nguyễn Văn Nên: “TP.HCM sẽ mở cửa dần, không thể mãi giãn cách nghiêm ngặt.” TUOI TRE ONLINE. https://tuoitre.vn/news-20210905120106525.htm
Leave a Reply