Bài 1 – Nhật Bản, Hàn Quốc, và Việt Nam

Nhìn về Nhật Bản và Hàn Quốc

So với các tấm gương phát triển kinh tế ở khu vực Đông Á, thì Nhật Bản là nước đi trước tất cả. Từ những năm 1960 đến 1980, Nhật Bản liên tục phát triển nền kinh tế ở mức trung bình 10% vào những năm 60, 5% vào những năm 70 và 4% vào những năm 80, khi mà Nhật Bản trở thành nền kinh tế hàng đầu với mức thu nhập bình quân cao trên Thế Giới[1].

Kỳ tích này có được là nhờ nền móng đặt ra trong thời kỳ Minh Trị Duy Tân (1866 – 1869), với thành tựu lớn nhất là sự dung hòa của các tinh hoa ngoại quốc – đặc biệt là phương Tây – vào Nhật Bản. Tính dung hòa này góp phần tạo nền tảng cho một thể chế mang tính bao trùm với sức mạnh từ nhiều tầng lớp trong xã hội cùng đồng tâm hợp lực. Đặc biệt, phát triển vốn con người cũng được Nhật Bản hết sức coi trọng. Điển hình là trong thời kỳ Minh Trị, Nhật Bản đã gửi hàng ngàn du học sinh đi Mỹ và châu Âu, đồng thời tuyển dụng hơn 3,000 giáo viên phương Tây về giảng dạy tại Nhật Bản[2]. Người giỏi trở thành lợi thế vô cùng lớn của Nhật Bản trong giai đoạn phát triển thần tốc sau đó.

Cất cánh sau Nhật Bản không lâu là Hàn Quốc dưới sự lãnh đạo có phần độc tài của Park Chung Hee. Dưới thời của ông, Hàn Quốc đã chọn con đường công nghiệp hóa – và hy sinh nông nghiệp trong thời gian đầu – dưới sự lãnh đạo của các DNNN với kỷ luật thép, và các tập đoàn tư nhân (chaebol). Câu chuyện của Hàn Quốc là câu chuyện “cạnh tranh”. Chính áp lực cạnh tranh khốc liệt mà tổng thống Park Chung Hee tạo ra cho các tập đoàn và DNNN đã khiến cho các doanh nghiệp này có động lực liên tục cải thiện năng suất, ngay cả khi họ vốn dĩ ở vị thế độc quyền trong nền kinh tế.

Tư duy về Việt Nam

Nhìn vào Nhật Bản và Hàn Quốc, có thể thấy không có một công thức chung để phát triển. Điểm chung duy nhất nằm ở quyết định của người lãnh đạo. Thế nhưng, bài viết này sẽ thật vô ích nếu kết luận rằng “lãnh đạo tốt khiến cho đất nước phồn vinh”.

Câu hỏi cần đặt ra là vì sao các nhà lãnh đạo ở Việt Nam có vẻ như vẫn loay hoay với những sai lầm cố hữu? Hay tổng quan hơn nữa là: Vì sao một chính quyền lại quyết định theo cái cách mà nó đã làm? Điều gì ảnh hưởng lên quyết định của một chính quyền? Liệu nguyên do có đơn giản chỉ là “lãnh đạo tốt” hay không?

Với tư duy thiển cận của người viết, có hai thứ ảnh hưởng lên quyết định của một chính quyền – và theo đó vận mệnh của quốc gia: (1) bản năng sống còn của quốc gia đó, và  (2) khả năng của người đưa ra quyết định.

Chính quyền được hình thành bởi con người, mà con người thì phản ứng với các động cơ khuyến khích. Đây là lý thuyết cơ bản của kinh tế – ngành học vốn dĩ nghiên cứu về những lựa chọn của con người. Như vậy, về lý thuyết thì đúng là một chính quyền sẽ đưa ra quyết định dựa trên sự sống còn (và hùng mạnh) của chính nó. Trong những quốc gia mà lợi ích của chính quyền đi đôi với lợi ích của dân chúng thì – ít nhất là về mặt lý thuyết – những quyết định của chính quyền sẽ dễ theo chiều hướng “đúng đắn”. Nhìn lại bối cảnh lịch sử của cuộc Duy Tân Minh Trị, đó là thời điểm Nhật Bản vừa trải qua nổi loạn lật đổ chế độ Mạc Phủ Tokugawa[3]. Để lấy được sự ủng hộ của giai cấp tư sản và lo sợ rằng một nước Nhật Bản yếu ớt sẽ sớm bị xâm chiếm làm thuộc địa, Thiên Hoàng Minh Trị phải đề cao “phú quốc cường binh”. Dù những cải cách của Minh Trị cho thấy tầm nhìn vĩ đại của vị lãnh đạo này, nhưng không thể phủ nhận cải cách diễn ra có sự ảnh hưởng rất lớn từ bản năng sống còn của thể chế.

Khi động lực phát triển là sẵn có trong thể chế, yếu tố quan trọng tiếp theo là khả năng đưa ra quyết định đúng đắn. Khi điều kiện cần đã hội tụ ở Hàn Quốc vào thời điểm đảo chính năm 1961, Park Chung Hee lại là người có trình độ và tầm nhìn để đưa ra những quyết sách chính xác, đưa Hàn Quốc đến với thịnh vượng. Được biết, Park Chung Hee dù xuất thân bần nông nhưng tuổi trẻ có cơ hội theo học Học Viện Quân Sự Hoàng Gia Nhật Bản, và từ đó tiếp xúc với các tinh hoa của Nhật Bản[4].

Quay lại câu chuyện Việt Nam, sở dĩ trí tuệ Việt Nam chỉ được phát huy cao độ khi đất nước đứng trên bờ vực xâm lăng là bởi vì, chỉ khi ấy thể chế – hoặc những thế lực có thể thay thế thể chế – mới có động lực sống còn để “chiến đấu”. Trước những thách thức hiện tại từ chủ quyền biển Đông, những thử thách sống còn sau đại dịch COVID-19 và khủng hoảng kinh tế đi kèm, người viết hy vọng rằng tinh thần phấn đấu vì cái lợi chung sẽ lại bừng cháy ở cả tầng lớp lãnh đạo đất nước và mỗi người trong chúng ta.

[1] Needle, Business in Context.

[2] “Economy of Japan.”

[3] “Minh Trị Duy tân.”

[4] “Park Chung-Hee.”


Tài liệu tham khảo

“Economy of Japan.” In Wikipedia, May 18, 2022. https://en.wikipedia.org/w/index.php?title=Economy_of_Japan&oldid=1088473771.

“Minh Trị Duy tân.” In Wikipedia tiếng Việt, February 21, 2022. https://vi.wikipedia.org/w/index.php?title=Minh_Tr%E1%BB%8B_Duy_t%C3%A2n&oldid=68184369.

Needle, David. Business in Context: An Introduction to Business and Its Environment. 4th ed. Australia London: Thomson, 2004.

“Park Chung-Hee.” In Wikipedia, May 17, 2022. https://en.wikipedia.org/w/index.php?title=Park_Chung-hee&oldid=1088255476.


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *