Bài 2 – Quyết liệt như Singapore hay mềm dẻo như Đài Loan

Người Việt vẫn mơ ước có một “Samsung” của chính mình. Thế nhưng, nhìn vào thành công của Đài Loan và những điểm tương đồng với chúng ta, có lẽ ta nên tạm gác “ước mơ” và dành cho những “người hùng thầm lặng” – những doanh nghiệp vừa và nhỏ – sự quan tâm một cách xứng đáng.

Singapore

Là nền kinh tế có GDP-PPP bình quân đầu người xếp thứ 5 Thế Giới và năng lực cạnh tranh thứ 3 Thế Giới, Singapore đã tiến những bước dài so với những năm 1960 nhờ vào sự quyết liệt và sáng suốt của cố Tổng thống Lý Quang Diệu (LKY).

Vào lúc LKY lên làm Tổng thống, dù đã giành lại độc lập cho Singapore từ tay đế quốc Anh, đảo quốc này ngay lập tức đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp cao và khủng hoảng nhà ở. Với sự ủng hộ chủ yếu đến từ tầng lớp lao động người Hoa và tổ chức sinh viên, Chính quyền Lý Quang Diệu phải nhanh chóng ban hành hàng loạt các chiến lược kinh tế như thu hút đầu tư nước ngoài thông qua chính sách thuế, và giải quyết khủng hoảng nhà ở thông qua chương trình nhà ở công (Public housing program)[1].

Mặc dù Singapore là thể chế độc Đảng, chính quyền vẫn làm việc rất hiệu quả nhờ vào sự cạnh tranh trong nội bộ Đảng Hành động Nhân dân (PAP). Điều này có được là do quy trình bầu cử ở Singapore rất tự do, minh bạch, và đảm bảo sự tham gia của nhiều tầng lớp nhân dân.

Thành công của Singapore, mặt khác, cũng đến từ quyết tâm xây dựng một xã hội dung hòa đa chủng tộc, và chế độ nhân tài của Lý Quang Diệu. Chính những chế độ này giúp Singapore trở thành điểm đến mơ ước đáng mơ ước của sinh viên, người lao động, và cả doanh nghiệp trong khu vực cũng như toàn Thế Giới. Động lực đằng sau quyết tâm của LKY có thể nói là đến từ cú sốc bị Malaysia khai trừ sau khi sáp nhập chưa đầy một năm do xung đột chủng tộc. Chính cú sốc này khiến Singapore quyết tâm xây dựng một bản sắc văn hóa dung hòa các chủng tộc, phát triển quốc phòng thông qua các chính sách nghĩa vụ quân sự, và đẩy mạnh cơ sở hạ tầng phù hợp để thu hút các công ty đa quốc gia đầu tư vào đảo quốc này.

Đài Loan

Câu chuyện của Đài Loan lại phần nào đi ngược lại với xu hướng tập trung vào các tập đoàn lớp như ở Nhật Bản, Hàn Quốc, và Singapore. Tại Đài Loan, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) chiếm hơn 40% tổng sản lượng quốc gia, và tạo ra công ăn việc làm cho 77% lao động tại đảo quốc này[2]. Từ chỗ chỉ sản xuất các sản phẩm giá trị thấp vào những năm 1950 – 1960, nay các DNVVN tại Đài Loan đã sản xuất được nhiều mặt hàng tinh xảo (hệ thống video game, phụ gia thức ăn,…) và dịch vụ có giá trị cao (các dịch vụ tư vấn).

Sở dĩ những DNVVN ở Đài Loan vẫn có tính cạnh tranh quốc tế là nhờ sự phát triển của các cụm doanh nghiệp trong cùng ngành. Ước tính ở Đài Loan hiện nay có khoảng 70-80 cụm doanh nghiệp quy mô lớn[3] với tính cạnh tranh nội bộ khốc liệt và tính lan tỏa công nghệ tốt. Vì vậy, chỉ có những doanh nghiệp thực sự hiệu quả với năng lực cạnh tranh thế giới mới có thể sống sót được.

Qua nhiều biến động chính trị và các phong trào dân chủ đẫm máu, Đài Loan từ một đất nước chịu thiết quân luật suốt 39 năm đã trở thành một thể chế dân chủ. Trong suốt quãng đường đó, giới lãnh đạo của Đài Loan đã luôn coi trọng khu vực SME và có nhiều quyết sách giúp phát triển khu vực này thành công. Theo báo cáo của Trường Đại Học Carolina (n.d)[4], Đài Loan phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ dựa trên 5 trụ cột như sau:

5 trụ cột phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Đài Loan | Nguồn: North Carolina Central University

Giữa hai câu chuyện Đài Loan và Singapore, có lẽ Đài Loan đáng được suy ngẫm trước, bởi lẽ 40% tổng sản lượng của Việt Nam cũng đến từ các DNVVN. Với bản tính năng động và sáng tạo của người Việt Nam – mà đôi khi năng lượng này chưa được đầu tư đúng chỗ[5], việc biến DNVVN thành động lực phát triển của nền kinh tế không nằm ngoài tầm tay. Tuy nhiên, theo báo cáo của Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam, các DNVVN (mà chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ) gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn, tiếp cận công nghệ, điều hành công ty, và tăng năng lực cạnh tranh. Tất cả các vấn đều này đều có thể giải quyết với mô hình “cụm doanh nghiệp” như Đài Loan đã làm.

Trong khi đó, các nỗ lực hình thành cụm doanh nghiệp như các khu công nghiệp, khu công nghệ cao lại chưa nhắm trúng đích. Thay vì đặt mục tiêu tạo ra môi trường tốt nhất để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, thì các khu công nghiệp tại Việt Nam thường xuyên phải chạy chỉ tiêu “tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp”. Chính áp lực này đã tạo ra những KCN với các doanh nghiệp không thực sự liên quan đến nhau, phần nào giảm đi hiệu lực của “cụm doanh nghiệp” kiểu Đài Loan.

Người Việt vẫn mơ ước có một “Samsung” của chính mình. Thế nhưng, nhìn vào thành công của Đài Loan và những điểm tương đồng với chúng ta, có lẽ ta nên tạm gác “ước mơ” và dành cho những “người hùng thầm lặng” – những doanh nghiệp vừa và nhỏ – sự quan tâm một cách xứng đáng.

[1] “History of Singapore.”

[2] “Chapter 5: SME Development in Taiwan,” 5.

[3] Irsan and Lee, “Taiwan’s Small and Medium Enterprises (SMEs).”

[4] “Chapter 5: SME Development in Taiwan.”

[5] Đơn cử như một số “tệ nạn” mà Việt Nam đi đầu khu vực như ăn cắp bản quyền sáng tạo, sử dụng phần mềm lậu, các chiêu trò lừa đảo tinh vi,…


Tài Liệu Tham Khảo

“Chapter 5: SME Development in Taiwan.” North Carolina Central University, n.d. https://nccur.lib.nccu.edu.tw/bitstream/140.119/33937/13/93303913.pdf.

“History of Singapore.” In Wikipedia, May 16, 2022. https://en.wikipedia.org/w/index.php?title=History_of_Singapore&oldid=1088141356.

Irsan, Prawira Julius Jioe, and Tzong-Ru Lee. “Taiwan’s Small and Medium Enterprises (SMEs).” Association for Asian Studies, 2017. https://www.asianstudies.org/publications/eaa/archives/taiwans-small-and-medium-enterprises-smes/.


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *