Nguyễn Minh Hiếu
Bức tranh lạm phát toàn cầu cho thấy thời kỳ của lạm phát thấp và trung bình trên toàn Thế Giới đã đi đến hồi kết, mở ra nhiều lo ngại về rủi ro giá cả tăng cao dẫn đến bất ổn vĩ mô và khó khăn trong tiến trình hồi phục kinh tế hậu COVID-19. Theo Desilver (2021), lạm phát tại 47 nền kinh tế lớn tương đối thấp vào đầu năm 2020 và giảm mạnh hoặc đi ngang đến hết năm 2020 và nửa đầu năm 2021 – khi dịch COVID-19 bùng phát dẫn đến đóng cửa kinh tế hàng loạt. Tuy vậy, nửa cuối năm 2021 vẽ một bức tranh khác với mức giá tại các nước tăng nhanh dưới sức ép tăng trưởng của nền kinh tế trong nỗ lực bình thường mới. Hình 1 minh họa diễn biến lạm phát và dự báo lạm phát khối OECD từ năm 2019-2023.
Hình 1: Lạm phát khối OECD 2019-2023 (dự báo)[1] (%)
Còn ở Việt Nam, do hậu quả kinh tế từ dịch COVID-19 có phần chậm hơn Thế Giới, bước vào năm 2021, lạm phát tại Việt Nam vẫn ở mức trung bình tương đối tại 3.2%. Theo số liệu của Tổng Cục Thống Kê, vào tháng 10 năm 2021, lạm phát của Việt Nam giảm rất thấp xuống còn 1.81% [2][3].
Hình 2: Lạm phát Việt Nam giai đoạn 2015-2020 và tháng 8 [4]-2021
Về tình hình tăng trưởng kinh tế, trong năm 2020 và năm 2021, do cú sốc lớn từ COVID-19, tổng cầu và tổng cung tăng yếu ớt dẫn đến tăng trưởng dưới tiềm năng. Điều này đã giữ lạm phát ở mức thấp trong hai năm vừa qua, mặc dù Việt Nam vẫn tăng trưởng sản lượng dương ở mức 2.58% so với năm 2020 [5]. Theo Đỗ Thiên Anh Tuấn (2022) [6], tổng cung và tổng cầu đều có xu hướng tăng trưởng nhẹ – với tăng trưởng cung đến từ ngành công nghiệp-xây dựng, và tăng trưởng cầu đến từ tăng đầu tư và xuất khẩu [7]. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này là dưới tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam (nếu không có COVID-19), có thể nói là đã tạo ra hố cách suy thoái. Do tổng cung tăng yếu từ nhiều yếu tố như giá nguyên liệu tăng, mặt bằng chi phí vận chuyển tăng, năm 2021 xảy ra lạm phát cầu “kéo” nhẹ ở mức 1.81% (tháng 10/2021 so với cùng kỳ năm trước).
Do Việt Nam bùng dịch trễ so với Thế Giới, mức lạm phát thấp hiện nay phản ánh khoảng thời gian khó khăn nhất của nền kinh tế. Nhìn vào hiện trạng tại các nước đang trên đà phục hồi, có thể dự đoán trong năm 2022, lạm phát trong nước sẽ chịu áp lực tăng mạnh đến từ phục hồi kinh tế sau dịch và giá cả nguyên liệu tăng cao trên thị trường Thế Giới.
Cung – Cầu “song kiếm hợp bích” tạo ra rủi ro lạm phát khó lường
Đầu tiên, tương tự như câu chuyện tại các nước đi trước [8], lạm phát năm 2022 sẽ chịu áp lực lớn từ tăng trưởng sản lượng phục hồi kinh tế, đặc biệt là đến từ gói chính sách tài chính, tiền tệ đã được Quốc Hội thông qua ngày 11/1/2021. Cụ thể, gói hỗ trợ bao gồm 291 nghìn tỷ đồng cho giải pháp tài khóa, trong tổng ngân sách 350 nghìn tỷ. Nếu được thông qua, gói chính sách dự kiến giải ngân 42% tổng số vốn trong năm 2022, quy mô gần 7% GDP năm 2021 [9]. Áp dụng cùng lúc chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng sẽ thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng nhanh chóng, tạo đà phục hồi kinh tế. Tuy vậy, tập trung toàn bộ dư địa chính sách để kích cầu sẽ tạo ra rủi ro lạm phát vượt kiểm soát của Ngân Hàng Trung Ương.
Thứ hai, chi phí nguyên liệu thô, giá dịch vụ kho bãi và giá nhiên liệu trên Thế Giới tiếp tục trên đà tăng, tạo ra rủi ro nhập khẩu lạm phát [10]. Về nguyên liệu thô và nhiên liệu, mặt bằng giá Thế Giới có xu hướng tăng trong hai năm trở lại đây (hình 4). Đặc biệt, hạng mục năng lượng có chỉ số giá tăng mạnh từ năm 2020 sang năm 2021 – từ 51.91 lên đến 94.45 điểm. Ngoài ra, chi phí dịch vụ vận tải cũng tăng cao trong thời gian vừa qua. Cụ thể, phí vận chuyển một container 40 feet cho chặng đường từ Trung Quốc sang Mỹ đã tăng 348% so với năm 2019 (trước đại dịch) [11]. Với mặt bằng chi phí cao như vậy, chỉ số giá của nhà sản xuất tại Việt Nam cũng chịu áp lực liên tục tăng trong suốt 6 quý liên tục (Hình 5)
Hình 4: Chỉ số giá nguyên liệu thô thế giới giai đoạn 2010-2021
Hình 5: Chỉ số giá nhà sản xuất giai đoạn 2019-2021 [12]
Với chi phí sản xuất tăng cao, tổng cung có khả năng sẽ giảm hoặc tăng trưởng rất yếu so với tiềm năng, đe dọa triệt tiêu hiệu quả của các chính sách kích cầu. Hơn nữa, sự kết hợp của chính sách kích cầu và chi phí sản xuất tăng sẽ tạo ra đồng thời hai áp lực cầu “kéo” và chi phí “đẩy” lên lạm phát, tạo khả năng tăng cao vượt tầm kiểm soát của chính sách tiền tệ, tạo ra bất ổn vĩ mô.
Kết hợp giải pháp phía cung và phía cầu nhằm giảm nhiệt lạm phát
Như vậy, cần kết hợp chính sách kích cầu và tăng tổng cung để kích thích phục hồi sản lượng và giảm áp lực lạm phát trong ngắn hạn, và tiếp tục đầu tư phát triển tiềm năng của nền kinh tế nhằm tăng sức chống chịu các khủng hoảng toàn cầu trong tương lai.
Trong ngắn hạn, Nhà Nước cần cân bằng giữa chính sách phía cầu và chính sách phía cung để giảm rủi ro lạm phát vượt mục tiêu, đồng thời có kế hoạch sẵn sàng ứng phó với kịch bản xấu nhất. Về phía cầu, chính sách tài khóa ban hành vào thời điểm hiện tại đã có độ trễ so với nhu cầu của nền kinh tế, nên cần đặc biệt quan tâm tốc độ giải ngân để đáp ứng đà hồi phục, tránh tình trạng khi nền kinh tế đã khởi sắc và có áp lực lạm phát cao thì lại giải ngân. Ngoài ra, Ngân Hàng Trung Ương cũng cần phải theo dõi sát sao biến động lạm phát, nhằm kịp thời thắt chặt tiền tệ khi nền kinh tế có dấu hiệu tăng trưởng nóng.
Về phía cung, Nhà Nước cần nghiên cứu và giải quyết gốc rễ tình trạng chi phí đẩy như khai thông các đường vận tải quốc tế, giải quyết vấn đề giá nguyên liệu nhập khẩu, và duy trì mở cửa kinh tế. Thứ nhất, các đường vận tải quốc tế nhập khẩu và xuất khẩu không chỉ gặp vấn đề về giá dịch vụ, mà còn đối mặt với các vấn đề chính trị – ngoại giao. Đơn cử, từ tháng 12/2021 đến đầu tháng 1/2022, nhiều mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc bị ùn tắt tại các cửa khẩu, có lúc xếp hàng dài đến hơn 3,000 xe container [13]. Chồng chất lên khó khăn của doanh nghiệp, rủi ro tại các kênh vận tải làm tăng đáng kể chi phí hoạt động và tạo sức ép giảm sản lượng lên tổng cung của nền kinh tế. Thứ hai, giá nguyên liệu thô được dự tính sẽ tiếp tục tăng trong năm 2022, vì vậy cần phối hợp cả giải pháp bình ổn giá và đầu tư phát triển nguồn cung trong nước đáp ứng nhu cầu sản xuất. Cuối cùng, tăng năng lực y tế và giữ cho nền kinh tế mở cửa cần được ưu tiên hàng đầu, bởi đây vừa là nguyên do, vừa là chìa khóa đưa chúng ta ra khỏi cuộc khủng hoảng hiện tại. Chi phí để thích ứng với mỗi lần đóng/mở cửa nền kinh tế là vô cùng lớn cho cả doanh nghiệp, hộ kinh doanh nhỏ lẻ và người lao động. Hơn nữa, rủi ro nền kinh tế bất ngờ đóng cửa cũng sẽ bào mòn chỉ số tự tin của nhà sản xuất. Như vậy, nếu không đầu tư nâng cao năng lực y tế, hai yếu tố trên sẽ tạo áp lực giảm tổng cung trong năm 2022.
Trong dài hạn, chúng ta cần nhận diện đại dịch COVID-19 đánh dấu sự bắt đầu của một kỷ nguyên bất định hơn bao giờ hết đến từ thảm họa môi trường và phát triển kinh tế không bền vững: biến đổi khí hậu đe dọa nền văn minh nông nghiệp và an ninh lương thực Thế Giới[14], đại dịch trở nên thường xuyên hơn do toàn cầu hóa[15],…. Toàn cầu hóa đã đem lại sự thịnh vượng cho nhiều quốc gia trên Thế Giới, nhưng chúng ta cần nhìn nhận lại về khả năng chống chịu của một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam trước những cú sốc ngày càng thường xuyên hơn. Để cải thiện điều đó, Việt Nam cần xây dựng sự độc lập nhất định trong nguồn cung một số mặt hàng nhạy cảm như năng lượng và lương thực.
Đặc biệt về năng lượng, chúng ta cần nghiêm túc xem lại chiến lược phát triển năng lượng thiên hóa thạch của chính mình, và đặt dấu chấm hỏi về tính bền vững không chỉ về môi trường mà còn về tính chống chịu trong cuộc khủng hoảng tiếp theo. Sách lược xây dựng hàng loạt nhà máy nhiệt điện than với vị thế là nền kinh tế nhập khẩu than[16] là đi ngược cả lợi ích an ninh quốc gia và xu hướng thế giới. Hơn nữa, công tác “điện hóa nền kinh tế” (electrify) cũng cần được đẩy mạnh như hỗ trợ phát triển thị trường xe điện, bếp điện, … bởi nó sẽ làm chúng ta ít phụ thuộc vào giá cả nhiên liệu nhập khẩu như than, xăng, dầu,…
[1] Tác giả tự tổng hợp từ (OECD Data, 2022)
[2] So với cùng kỳ năm trước
[3] Nguyễn Thị Huyền Thanh. (2021, October 29). Chỉ số giá tiêu dùng, Chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ tháng 10 năm 2021. General Statistics Office of Vietnam. https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2021/10/chi-so-gia-tieu-dung-chi-so-gia-vang-va-chi-so-gia-do-la-my-thang-10-nam-2021/
[4] Tác giả tự tổng hợp từ Tổng Cục Thống Kê và The World Bank Data. (2022, January 13). Inflation, consumer prices (annual %)—Vietnam | Data. The World Bank Data.
[5] Nguyễn Hòa. (2021, December 29). Tăng trưởng GDP cả năm 2021 đạt 2,58% | Báo Công Thương. Báo Công Thương điện tử, kinh tế, chính trị, xã hội. https://congthuong.vn/tang-truong-gdp-ca-nam-2021-dat-258-170019.html
[6] Đỗ Thiên Anh Tuấn. (2022). Bài giảng 22: Kinh tế Việt Nam dưới tác động của COVID-19. Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright.
[7] Cụ thể, trong năm 2021, tăng trưởng ngành công nghiệp – xây dựng đạt 13.97%, tăng rất đáng kể so với các ngành còn lại (dao động từ 1.22% đến 2.90%). Về phía tổng cầu, chi tiêu cuối cùng cả năm giảm 3.8%, đầu tư tăng 3.2%, chi tiêu chính phủ tăng 1.3% (Đỗ Thiên Anh Tuấn, 2022).
[8] Desilver, D. (2021, November 24). Inflation has risen around the world, but the U.S. has seen one of the biggest increases. Pew Research Center. https://www.pewresearch.org/fact-tank/2021/11/24/inflation-has-risen-around-the-world-but-the-u-s-has-seen-one-of-the-biggest-increases/
[9] Dựa trên GDP đã công bố năm 2021 là 5,115,805 tỷ đồng (Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư, 2022).
[10] Theo CentralCharts (2019), nhập khẩu lạm phát là tình trạng giá cả trong nền kinh tế tăng do chi phí các nguyên liệu sản xuất nhập khẩu tăng.
[11] Phiên An. (2021, November 19). Giá vận tải cao có thể đẩy lạm phát toàn cầu tăng 1,5%. vnexpress.net. https://vnexpress.net/gia-van-tai-cao-co-the-day-lam-phat-toan-cau-tang-1-5-4387721.html
[12] TradingEconomics. (n.d.). Vietnam Producer Prices | 2022 Data | 2023 Forecast | 2011-2021 Historical | Chart. Retrieved January 14, 2022, from https://tradingeconomics.com/vietnam/producer-prices
[13] Thanh Niên. (2021, December 22). Tài xế ngồi đất ăn cơm, nhịn tắm vì lạnh khi xe container mắc kẹt ở biên giới Lạng Sơn. Báo Thanh Niên. https://thanhnien.vn/post-1413967.html
[14] United Nations. (2020, February 15). The World’s Food Supply is Made Insecure by Climate Change | United Nations. United Nations – Academic Impact. https://www.un.org/en/academic-impact/worlds-food-supply-made-insecure-climate-change
[15] Whiting, K. (2020, March 4). Coronavirus isn’t an outlier, it’s part of our interconnected viral age. World Economic Forum. https://www.weforum.org/agenda/2020/03/coronavirus-global-epidemics-health-pandemic-covid-19/
[16] Anh Minh. (2020, August 16). Việt Nam chi gần 3 tỷ USD nhập khẩu than. vnexpress.net. https://vnexpress.net/viet-nam-chi-gan-3-ty-usd-nhap-khau-than-4147206.html
Tài liệu tham khảo
Tiếng Việt
Anh Minh. (2020, August 16). Việt Nam chi gần 3 tỷ USD nhập khẩu than. vnexpress.net. https://vnexpress.net/viet-nam-chi-gan-3-ty-usd-nhap-khau-than-4147206.html
Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư. (2022, January 14). Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư. https://www.mpi.gov.vn/Pages/ktxh.aspx?idcm=123
Đỗ Thiên Anh Tuấn. (2022). Bài giảng 22: Kinh tế Việt Nam dưới tác động của COVID-19. Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright.
Dũng Toản. (2022, January 7). Năm 2022, sẽ giải ngân khoảng 42% tổng số vốn của gói chính sách tài khóa, tiền tệ. Báo Nhân Dân. https://nhandan.vn/tin-tuc-su-kien/nam-2022-se-giai-ngan-khoang-42-tong-so-von-cua-goi-chinh-sach-tai-khoa-tien-te-681477/
Nguyễn Hòa. (2021, December 29). Tăng trưởng GDP cả năm 2021 đạt 2,58% | Báo Công Thương. Báo Công Thương điện tử, kinh tế, chính trị, xã hội. https://congthuong.vn/tang-truong-gdp-ca-nam-2021-dat-258-170019.html
Nguyễn Thị Huyền Thanh. (2021, October 29). Chỉ số giá tiêu dùng, Chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ tháng 10 năm 2021. General Statistics Office of Vietnam. https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2021/10/chi-so-gia-tieu-dung-chi-so-gia-vang-va-chi-so-gia-do-la-my-thang-10-nam-2021/
Phiên An. (2021, November 19). Giá vận tải cao có thể đẩy lạm phát toàn cầu tăng 1,5%. vnexpress.net. https://vnexpress.net/gia-van-tai-cao-co-the-day-lam-phat-toan-cau-tang-1-5-4387721.html
Thanh Niên. (2021, December 22). Tài xế ngồi đất ăn cơm, nhịn tắm vì lạnh khi xe container mắc kẹt ở biên giới Lạng Sơn. Báo Thanh Niên. https://thanhnien.vn/post-1413967.html
Tiếng Anh
Asian Development Bank. (2022, January 13). Key Indicators Database – Asian Development Bank. Key Indicators Database – Asian Development Bank. https://kidb.adb.org
CentralCharts. (2019). What is imported inflation? CentralCharts. https://www.centralcharts.com/en/gm/1-learn/9-economics/34-fundamental-analysis/946-definition-imported-inflation
Desilver, D. (2021, November 24). Inflation has risen around the world, but the U.S. has seen one of the biggest increases. Pew Research Center. https://www.pewresearch.org/fact-tank/2021/11/24/inflation-has-risen-around-the-world-but-the-u-s-has-seen-one-of-the-biggest-increases/
OECD Data. (2022, January 13). Prices—Inflation forecast—OECD Data. OECD Data. http://data.oecd.org/price/inflation-forecast.htm
The World Bank Data. (2022, January 13). Inflation, consumer prices (annual %)—Vietnam | Data. The World Bank Data. https://data.worldbank.org/indicator/FP.CPI.TOTL.ZG?end=2020&locations=VN&start=2015
TradingEconomics. (n.d.). Vietnam Producer Prices | 2022 Data | 2023 Forecast | 2011-2021 Historical | Chart. Retrieved January 14, 2022, from https://tradingeconomics.com/vietnam/producer-prices
United Nations. (2020, February 15). The World’s Food Supply is Made Insecure by Climate Change | United Nations. United Nations – Academic Impact. https://www.un.org/en/academic-impact/worlds-food-supply-made-insecure-climate-change
Whiting, K. (2020, March 4). Coronavirus isn’t an outlier, it’s part of our interconnected viral age. World Economic Forum. https://www.weforum.org/agenda/2020/03/coronavirus-global-epidemics-health-pandemic-covid-19/
Leave a Reply