Sửa đổi luật đất đai – Các bên liên quan là ai?

Từ tháng 3/2021 đến tháng 8/2021, quá trình sửa đổi Luật Đất Đai 2013 được khởi động, đánh giá, tham vấn, đề xuất và tiến hành xây dựng bởi Ban Chấp Hành Trung Ương, Chính Phủ và Bộ Tài Nguyên Và Môi Trường (TN-MT). Với vấn đề mang tính “lịch sử, phức tạp, liên quan đến nhiều đối tượng, thành phần” như đất đai, dự án sửa đổi Luật Đất Đai đã có sự góp mặt của nhiều nhân tố chính thức từ hai nhánh lập pháp và hành pháp. Tuy nhiên, các nhân tố không chính thức, đặc biệt là người dân cần được tham vấn nhiều hơn để hình thành một thể chế phù hợp với tuyên bố “đất đai […] thuộc sở hữu toàn dân” tại Điều 53 (Hiến Pháp, 2013).

Sự góp mặt của các nhân tố chính thức

Các nhân tố chính thức có tác động lớn đến việc khởi động sửa đổi Luật Đất Đai 2013 gồm: Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN), Chính Phủ, Quốc Hội và Bộ TN-MT. Theo Birkland (2019), các tổ chức, cơ quan, cá nhân có trách nhiệm và quyền lực được thừa nhận bởi luật pháp được xem là các nhân tố chính thức.

Trong nhánh lập pháp, từ tháng 3/2021, sửa đổi Luật Đất Đai 2013 đã được ưu tiên trong chương trình nghị sự của Đảng CSVN, thể hiện qua Văn kiện Đại Hội Lần Thứ XIII và quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết và đánh giá thực thi luật Đất Đai sau 10 năm thực hiện (Phạm Duy Nghĩa, 2021). Mặc dù Đảng phái được Birkland (2019) xếp vào nhóm nhân tố chính không chính thức, Hiến Pháp Việt Nam (2013) thừa nhận vai trò “lãnh đạo Nhà nước và xã hội” của Đảng CSVN. Vì vậy, Đảng CSVN có thể được xem như một nhân tố chính thức trong bối cảnh chính trị nước nhà. Mặt khác, Quốc Hội cũng đóng vai trò then chốt thúc đẩy dự án này trong nhánh lập pháp. Cụ thể, Quốc Hội chịu trách nhiệm thông qua đề xuất từ Chính Phủ, và ban hành Nghị Quyết số 82/2019/QH14, giao trách nhiệm nghiên cứu việc thực hiện sửa đổi Luật Đất Đai cho Chính Phủ (Phạm Duy Nghĩa, 2021).

Theo Phạm Duy Nghĩa (2021), Chính phủ – cơ quan đứng đầu nhánh hành pháp – đã điều phối nghiên cứu, thảo luận, tham vấn và đề xuất sửa đổi 11 nhóm chính sách trong Luật Đất Đai 2013. Song song đó, Bộ TN-MT cũng đã chủ động báo cáo tình hình thực thi, đồng thời tổ chức nhiều sự kiện thu thập ý kiến các cơ quan địa phương, ban ngành, cũng như các nhà khoa học, quản lý và tổ chức liên quan (Phạm Duy Nghĩa, 2021). Tháng 9/2021, Bộ TN-MT đã công bố kế hoạch chi tiết cho dự án sửa đổi Luật Đất Đai 2013 trong Quyết định số 1732/QĐ-BTNMT (Phạm Duy Nghĩa, 2021).

Như vậy, các nhân tố chính thức như Đảng CSVN, Chính Phủ, Quốc Hội và Bộ TN-MT đóng vai trò thiết yếu trong toàn bộ quá trình khởi động chính sách: từ giới thiệu vấn đề vào chương trình nghị sự, cho đến tổng kết, đánh giá, và đề xuất phương án sửa đổi. Mặc dù vậy, sự tham gia của các nhân tố ngoài cơ quan Trung Ương còn hạn chế, như vai trò của chính quyền địa phương và Hội đồng nhân dân (HĐND).

Tăng cường sự tham gia của nhân tố không chính thức trong đối thoại chính sách Đất Đai

Người dân là bên liên quan không chính thức bị ảnh hưởng lớn nhất từ thay đổi thể chế đất đai, nên đối tượng này cần được tham vấn nhiều hơn trong quá trình xây dựng chính sách. Về sở hữu đất đai, Điều 53 Hiến pháp quy định cụ thể “đất đai […] thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”.

Cho đến nay, theo Phạm Duy Nghĩa (2021), các nhân tố phi chính thức tham gia công khai vào quá trình khởi động sửa Luật Đất Đai 2013 chỉ có khu vực nghiên cứu (các chuyên gia, nhà khoa học), và các tổ chức phi chính phủ (World Bank, Asian Development Bank, …), thông qua các hội thảo, hội nghị và buổi làm việc do Bộ TN-MT tổ chức. So với định nghĩa nhân tố không chính thức từ Birkland (2019), có 3 nhóm quan trọng chưa được tham gia vào dự án này: cá nhân, nhóm lợi ích và giới truyền thông. Tín hiệu đáng mừng là, theo Quyết định 1732/QĐ-BTNMT, từ cuối tháng 10/2021, dự án Luật Đất Đai (sửa đổi) sẽ tiến hành lấy ý kiến từ chính quyền địa phương, các cơ quan hành pháp liên quan, chuyên gia, nhà khoa học và các doanh nghiệp. Dù vậy, chính quyền địa phương không nên là đại diện duy nhất của người dân trong khi tình trạng “tham nhũng trong quản lý đất đai, tiêu cực của chính quyền là việc đau lòng ở địa phương” – nguyên thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu (Dân Trí, 2012).

Để khuếch đại tiếng nói người dân trong cuộc đối thoại chính sách đất đai, cần trước hết định nghĩa đối tượng ‘toàn dân’ mà Hiến Pháp đã đề cập. Sau đó, hoạt động lấy ý kiến nên bao gồm trưng cầu dân ý, đồng thời các hội thảo lấy ý kiến nên có sự tham gia của các Đoàn thể (Hội nông dân, Công đoàn, …), hiệp hội, giới truyền thông và các tổ chức phi chính phủ liên quan, vốn là những nhân tố phi chính thức đại diện cho nhiều tầng lớp người dân Việt Nam.

Tóm lại, Đảng Cộng Sản, Quốc Hội, Chính Phủ và Bộ TN-MT đã đóng vai trò then chốt trong quá trình khởi động sửa Luật Đất Đai. Để thiết kế một bộ Luật có tính bền vững và công bằng hơn, cuộc đối thoại này cần phải có thêm tiếng nói từ bản thân người dân, Hội Đồng Nhân Dân, và các cơ quan đại diện người dân như Đoàn thể, hiệp hội và các tổ chức phi chính phủ. Vì thể chế đất đai là vấn đề công có ảnh hưởng sâu rộng đến mọi phương diện xã hội, các đối tượng chịu ảnh hưởng lớn nhất cần được làm rõ, tạo điều kiện và lắng nghe nhiều hơn trong quá trình hoạch định chính sách.


Tài liệu tham khảo:

Birkland, T. (2019). An Introduction to the Policy Process: Theories, Concepts, and Models of Public Policy Making. (5th ed.). Routledge.

Dân Trí. (2012, December 06). Tham nhũng đất đai, tiêu cực của chính quyền là… rất đau lòng!. https://dantri.com.vn/xa-hoi/tham-nhung-dat-dai-tieu-cuc-cua-chinh-quyen-la-rat-dau-long-1355199852.htm

Hiến Pháp. Điều 53.


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *