“Tình Đời” Côn Trùng

09/03/2021

Khi nghĩ đến bảo vệ và bảo tồn động vật, chúng ta thường nghĩ đến hình ảnh những loài tê giác, voi, gấu, chó, mèo, … Có lẽ vì chúng phần nào gần gũi với con người hơn. Mà cũng có lẽ khi ta nhìn thấy hình ảnh một chú voi với đôi mắt đượm buồn trên mạng xã hội, trong lòng chúng ta cũng khơi dậy nhiều cảm xúc mãnh liệt hơn. Còn côn trùng, điều đầu tiên ai cũng nghĩ đến là dịch bệnh. Đôi mắt ghê ghê, mấy cái chân lèo khoèo khi bò lên người làm ta rợn hết cả da gà. Ôi! nhắc đến côn trùng là người ta chỉ muốn làm sao cho chúng biến hết đi, đừng làm phiền đời sống văn minh của con người nữa. Vậy mà, dù côn trùng là một loài động vật ít được cảm thông, ta vẫn phải hiểu rằng chúng nắm trong tay (hay chân?) sự sinh diệt của muôn loài – trong đó có loài người.

Cuộc sống – hay thậm chí là sự sống – sẽ vô cùng khác biệt khi không có côn trùng giúp thụ phấn hoa, kiểm soát cân bằng sinh thái và xúc tác quá trình tiêu hủy. Trên thực tế, ba phần tư (3/4) nguồn lương thực của thế giới phụ thuộc vào các loài côn trùng thụ phấn (như ong và bướm). Trong hoàn cảnh an ninh lương thực ngày càng ngặt nghèo do biến đổi khí hậu (dẫn đến thiên tai, thay đổi mùa vụ), bảo vệ đa dạng sinh thái của loài côn trùng lại trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Chưa hết, côn trùng là nguồn thức ăn chính của các loài động vật lớn hơn như chim, ếch nhái, tắc kè, thú lông nhím, v.v… Những loài này cũng sẽ đồng loạt biến mất khi nguồn thức ăn cạn kiệt, dẫn đến tuyệt chủng dây chuyền.

Vậy nhưng, phải chăng vì chúng không có những đôi mắt long lanh hay bộ lông mềm mại, mà chúng ta có vẻ thờ ơ với nguy cơ tuyệt chủng của côn trùng. Ở Bắc Mỹ và Châu u, các nhà khoa học trường University of Ottawa báo cáo “dữ liệu cho thấy loài ong bướm trên thế giới đang giảm mạnh, cũng như sự đa dạng sinh thái ngoài tự nhiên và trong bữa ăn của loài người”. Theo nghiên cứu này, các loài côn trùng thụ phấn đang trên lộ trình “đại tuyệt chủng”, và chúng ta đang sống trong thời kỳ “đại tuyệt chủng” thứ 6 trong lịch sử Trái Đất.

Thuốc trừ sâu, biến đổi khí hậu và quá trình đô thị hóa là những nguyên nhân chính đẩy các loài côn trùng quan trọng này tới rìa của sự sống. Dẫu biết đây là những vấn đề quá lớn cho đôi vai của bất kỳ cá nhân nào gách vác, bài viết hy vọng có thể cho bạn đọc một góc nhìn vĩ mô và tổng quát hơn về bảo tồn/bảo vệ động vật, cũng như thấu hiểu và trân quý những nguồn sống nhỏ bé, xa lạ mà gần gũi này.

Nguyễn Minh Hiếu (Nicolette)


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *